Hàng ngày bạn nên để thì giờ ra mà tọa thiền. Ngồi trên bồ đoàn, trong tư thế hoa sen gọi là kiết già, xếp bằng bàn chân phải đặt trên bắp chân trái và bàn chân trái trên bắp chân phải, xương sống thẳng đầu ngay ngắn, mắt nhìn xuống, bàn tay trái để ngửa nằm trong lòng bàn tay phải. Đây là một thế ngồi rất vững chãi và hùng mạnh. Những người mới tập sẽ thấy đau nhức trong thế ngồi này cho nên có thể ngồi kiểu bán già, nghĩa là bàn chân phải để trên bắp đùi trái, hoặc ngược lại. Sau một vài giờ bạn ngồi thiền trong tư thế kiết già, có thể đứng dậy và đi kinh hành.
Đi kinh hành là đi bách bộ trong thiền đường hoặc quanh thiền thất. Nếu là tọa thiền chung với đại chúng, thì giờ kinh hành được quy định trước. Mọi người thong thả đi từng bước mắt nhìn xuống phía trước, im lặng nối thành hàng đi nhiều vòng bên trong thiền đường, theo chiều hướng kim đồng hồ. Trong khi đi như thế, bạn vẫn có thể tiếp tục thiền quán. Sự xen kẽ kinh hành với tọa thiền làm cho máu chảy đều trong cơ thể, hai chân không bị tê nhức.
Nhưng không phải bạn chỉ thực hành thiền quán trong khi tọa thiền và kinh hành. Bạn có thể an trú trong thiền ngay những khi làm việc như vá áo, trồng rau, quét sân, rửa bát, lau nhà… Nhiều vị thiền giả đạt được sự bừng sáng trong khi “chấp tác” công việc thường nhật như vậy. Thật ra bạn sẽ không thành công nếu không thực hành thiền ngay trong các động tác hàng ngày kia. “Không có giác ngộ ngoài sự sống thường nhật”. Tôi nhớ câu chuyện giữa Bụt và lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo như sau:
– Nghe nói Đạo Bụt là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Bụt như thế nào? Các ngài làm gì mỗi ngày?
– Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ…
– Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu. Ai lại không đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ.
– Đặc biệt lắm chứ, thưa ngài. Chúng tôi ý thức khi chúng tôi đi, đứng nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Còn khi những người khác đi, đứng, nằm, ngồi, v.v…. thì họ không ý thức được là họ đang đi, đứng, nằm, ngồi… Đó bạn thấy được tầm quan trọng của nếp sống thiền tập trong các động tác hàng ngày chưa?
Trích “TIẾP XÚC VỚI SỰ SỐNG: – Thích Nhất Hạnh