TINH THẦN BẤT NHỊ

TINH THẦN BẤT NHỊ

Khi muốn hiểu một điều gì, ta không thể đứng ngoài và quan sát nó. Ta phải đi sâu và hòa nhập làm một với nó, ta mới có thể hiểu được. Khi muốn hiểu một người, ta phải ở trong da thịt họ, đau nỗi đau của họ, và vui niềm vui của họ. Động từ “hiểu” tiếng Pháp gọi là “comprendre”“com”có nghĩa cùng với và “prendre” có nghĩa là nắm lấy. “Comprendre” là nắm lấy vật đó và nhập làm một với nó.  Không có cách nào khác hơn. Nhà Phật gọi đó là không hai, bất nhị.

Cách đây mười lăm năm, tôi giúp một số bạn lo phụ trách các trẻ em mồ côi ở Việt nam. Các tác viên xã hội ở Việt nam gửi hình của các em qua, ghi rõ tên tuổi, năm sinh và hoàn cảnh của mỗi em. Công việc của tôi là dịch những tờ đơn nầy ra tiếng Pháp để tìm người bảo trợ cho các em. Người bảo trợ sẽ gửi cho gia đình các em một số tiền để các em có tiền ăn và đi học. Chúng tôi có hằng chục người tình nguyện dịch những cái đơn đó ra tiếng nước ngoài.

Mỗi ngày tôi dịch khoảng ba mươi tờ đơn. Tôi không đọc tờ đơn mà để thời gian ngắm hình của em bé. Chỉ trong chừng ba mươi giây là tôi trở thành em bé. Rồi tôi cầm bút lên và dịch tờ đơn qua một tờ giấy khác. Sau đó tôi mới nhận thấy là không phải tôi dịch tờ đơn mà chính em bé và tôi cùng làm công việc đó. Nhìn hình của em bé, lòng tôi tràn đầy cảm thương và tôi trở thành em bé đó lúc nào không hay và cả hai chúng tôi cùng nhau dịch tờ đơn. Điều đó rất tự nhiên. Ta không cần phải thiền tập lâu năm mới có thể làm việc đó. Ta chỉ cần nhìn cho kỹ, làm cho con người của mình có mặt đích thị, thì em bé liền có mặt trong ta và ta có mặt trong em bé.

CHỮA TRỊ NHỮNG VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH

Trong chiến tranh Việt Nam, giả dụ người Mỹ thấu hiểu được nguyên tắc bất nhị thì cả hai nước đã không mang nhiều vết thương trầm trọng, những vết thương khó chữa lành dù chiến tranh đã chấm dứt. Đây là một bài học cho mọi người.

Năm ngoái chúng tôi có tổ chức một khóa tu cho cựu chiến binh ở Mỹ. Không khí khóa tu khá ngột ngạt vì nhiều người vẫn còn bị thương tích chiến tranh làm đau nhức không nguôi. Một người thố lộ là chỉ trong một trận đánh mà đơn vị anh ta đã mất bốn trăm mười bảy người và trong suốt mười lăm năm trời anh ta vẫn mang xác chết của bốn trăm mười bảy người lính này trên vai. Một người khác tâm sự là vì quá căm hận khi thấy chiến hữu mình bị giết chết nên anh ta đã gài bẫy giết năm trẻ em trong một làng nọ.

Từ đó anh sống trong một cơn ác mộng dài, không bao giờ còn đủ cam đảm để ngồi gần bất cứ một em bé nào. Bao nhiêu đau thương đã được kể ra và chính niềm đau đã không cho anh ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của cuộc sống.

Vì vậy mà chúng ta cần giúp nhau để học tiếp xúc. Trong khóa tu, một cựu chiến binh nói đây là lần đầu tiên trong mười lăm năm qua, anh cảm thấy an toàn giữa một đám đông. Trong suốt mười lăm năm, anh không nuốt được một thức ăn nào cứng. Anh chỉ ăn trái cây và uống nước trái cây. Anh hoàn toàn sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng chỉ sau ba ngày dự khóa tu, anh đã có thể bắt đầu liên lạc và nói chuyện với người khác. Những người như anh rất cần sự thương yêu giúp đở của ta để có thể tiếp xúc lại với cuộc sống.

Trong khóa tu, chúng tôi cùng tập thở và tập cười, nhắc nhở nhau trở về với đóa hoa trong tâm ta, trở về với trời xanh, với cây lá để che chở nuôi nấng ta.

Chúng tôi cùng ăn cơm, cùng uống trà trong im lặng, thưởng thức từng ly trà, từng món ăn như thưởng thức cái bánh in thời thơ ấu. Chúng tôi bước từng bước chậm rãi thong thả, ý thức được sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất, của buồng phổi với không khí trong lành. Chúng tôi cùng ngồi với nhau, thở với nhau, đi với nhau và cùng chia sẽ học tập về những kinh nghiệm đau thương trong chiến tranh Việt Nam.

Bài học ở Việt Nam phải giúp chúng ta sáng mắt. Chúng ta phải thấy được rằng chúng ta là của nhau, không ai có thể chia cắt thực tại thành những mảnh rời rạc. Sự an lạc của cái này là sự an lạc của cái kia, chúng ta không thể làm việc một cách riêng rẽ, chúng ta phải ngồi lại với nhau và cùng chung xây dựng lại. Phe nào cũng là phe của ta, không có phe nào ta cần phải loại bỏ. Các cựu chiến binh đã lấy kinh nghiệm đau thương của mình làm áng sáng chiếu sâu vào cội rễ của chiến tranh và soi đường dẫn tới hòa bình.

“An lạc từng bước chân” Thích Nhất Hạnh